Tuyển sinh: Thạc sĩ - Ngành Kỹ thuật Môi trường
- 1. Mục tiêu đào tạo
-
- Đào tạo học viên có thái độ, hành vi và ý thức vì cộng đồng, xã hội, có khả năng vận dụng những kiến thức cơ sở của ngành học trong hoạt động xử lý và quản lý môi trường, thiết kế các công trình xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.
- Học viên có kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật xử lý và quản lý các công nghệ môi trường tiên tiến; Ứng dụng tốt các nguyên lý, qui trình, phương pháp, kỹ thuật trong quản lý tài nguyên và môi trường đô thị và khu công nghiệp.
- Học viên được trang bị các kỹ năng phân tích, xử lý những vấn đề trong lĩnh vực kỹ thuật môi trường; kỹ năng nghiên cứu, làm việc độc lập và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề thuộc chuyên ngành; kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng tổ chức, quản lý và điều hành các hoạt động tại đơn vị.
- Học viên tốt nghiệp đạt được các chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và tin học theo quy định, có cơ hội trở thành các chuyên gia tư vấn, chuyên gia quản trị trong lĩnh vực môi trường; tham gia nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực kỹ thuật/công nghệ môi trường ở bậc đại học; quản trị viên trong doanh nghiệp đa quốc gia cũng như cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên.
- Học viên có đủ kiến thức và khả năng nghiên cứu tốt để tiếp tục theo học tại các chương trình đào tạo tiến sĩ trong và ngoài nước.
- 2. Thời gian tuyển sinh (dự kiến)
-
- Thời gian đăng ký ôn thi đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu vào: từ ngày ra thông báo đến hết ngày 22/03/2025.
- Thời gian tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu vào: 19/04/2025
- Thời gian công bố kết quả thi đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu vào: 06/05/2025
- Thời gian nộp hồ sơ xét tuyển: Từ ngày ra thông báo đến hết ngày 10/05/2025
- Thời gian công bố kết quả trúng tuyển: 13/06/2025
- Thời gian nhập học: 27/06/2025–28/06/2025.
- 3. Phương thức tuyển sinh
-
- Phương thức tuyển sinh: Xét tuyển kết hợp thi đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu vào.
- 4. Điều kiện dự tuyển
-
4.1 Yêu cầu về văn bằng
Người dự tuyển khi đăng ký chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu phải thỏa một trong những điều kiện sau:- Đã tốt nghiệp đại học hạng khá trở lên hoặc đã đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đại học hạng khá trở lên (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp với ngành dự tuyển; đối với người dự tuyển tốt nghiệp ngành không phải ngành phù hợp với ngành dự tuyển thì phải hoàn thành yêu cầu học bổ sung kiến thức trước khi dự tuyển;
- Đã tốt nghiệp đại học hoặc đã đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp với ngành dự tuyển và có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập, nghiên cứu trong thời hạn 03 năm (36 tháng) tính đến ngày hoàn tất nộp hồ sơ dự tuyển; đối với người dự tuyển tốt nghiệp ngành không phải ngành phù hợp với ngành dự tuyển thì phải hoàn thành yêu cầu học bổ sung kiến thức trước khi dự tuyển.
Bảng phân biệt chương trình đào tạo định hướng ứng dụng và định hướng nghiên cứu tại đây.
Danh mục ngành phù hợp với ngành đào tạo trình độ thạc sĩ được trình bày tại đây.
4.2 Yêu cầu về năng lực ngoại ngữ
Đối với chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ có ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Việt, ngoại ngữ là một trong sáu ngôn ngữ nước ngoài sau: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật. Người dự tuyển chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ có ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Việt phải có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Người dự tuyển đạt yêu cầu ngoại ngữ đầu vào chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ có ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Việt theo tiêu chí quy định tại khoản 2 của mục này khi có một trong các văn bằng, chứng chỉ như sau:- Có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ nước ngoài; hoặc bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên mà chương trình đào tạo có ngôn ngữ giảng dạy được thực hiện chủ yếu bằng ngôn ngữ nước ngoài là ngoại ngữ được quy định tại khoản 1 của mục này;
- Có một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam quy định tại Phụ lục 1 của Thông báo này hoặc các chứng chỉ tương đương khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, còn trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
- Có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ Anh; hoặc bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên mà chương trình đào tạo có ngôn ngữ giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Anh;
- Có một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ tiếng Anh đạt trình độ tương đương Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam quy định tại Phụ lục 1 của Thông báo này hoặc các chứng chỉ tương đương khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, còn trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
Xem chi tiết Phụ lục 1 tại đây. Tất cả văn bằng/chứng chỉ sẽ được Nhà trường thực hiện công tác hậu kiểm. Nhà trường chỉ chấp nhận những chứng chỉ thí sinh dự thi theo hình thức trực tiếp. Đối với một số chứng chỉ không thông dụng thí sinh cần liên hệ với Phòng Sau đại học trước khi thi chứng chỉ.
Danh mục các Trường đại học được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam: tại đây.
Lưu ý: Yêu cầu ngoại ngữ đầu vào và ngoại ngữ đầu ra đối với mỗi người học phải cùng một ngôn ngữ: Đối với các trường hợp nộp chứng chỉ miễn ngoại ngữ đầu vào là ngôn ngữ gì thì nộp chứng chỉ ngoại ngữ đầu ra (hoặc minh chứng đủ điều kiện ngoại ngữ đầu ra) phải đúng là ngôn ngữ đã nộp lúc đầu vào.
Ví dụ: nộp chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Trung đầu vào là HSK Bậc 3 thì ngoại ngữ đầu ra phải bắt buộc nộp chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Trung tối thiểu từ HSK Bậc 4 trở lên (hoặc minh chứng đủ điều kiện ngoại ngữ đầu ra phải là tiếng Trung).
4.3 Yêu cầu về thâm niên công tác
Người dự tuyển chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh định hướng ứng dụng cần có ít nhất 02 năm (24 tháng) kinh nghiệm làm việc tính từ ngày tốt nghiệp đại học đến ngày đăng ký dự tuyển. Người dự tuyển tốt nghiệp đại học ngành không phải ngành phù hợp với ngành đăng ký dự tuyển phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực liên quan được quy định trong Phụ lục 2. Xem chi tiết Phụ lục 2 tại đây.4.4 Đối tượng và chính sách ưu tiên:
1. Đối tượng ưu tiên:
Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú trên 18 tháng tại Khu vực 1 được quy định theo Quy chế tuyển sinh đại học hiện hành; Thương binh, bệnh binh, người có “Giấy chứng nhận được hưởng chính sách như thương binh”; Con liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hoá học;2. Mức ưu tiên: Người dự tuyển thuộc đối tượng ưu tiên quy định tại mục này (bao gồm cả người thuộc nhiều đối tượng ưu tiên) được cộng 10 (mười) điểm (thang điểm 100) cho điểm xét tuyển;
- 5. Quy trình xét tuyển
-
5.1 Tiếp nhận và đánh giá hồ sơ dự tuyển theo tiêu chí xét tuyển của Trường.
5.2 Hội đồng tuyển sinh xác định phương án trúng tuyển. Thí sinh đủ điều kiện xét tuyển nếu đạt tối thiểu 50% thang điểm đối với điểm xét tuyển (tối thiểu 50 điểm).
5.3 Trường công bố kết quả xét tuyển, thông báo điểm chuẩn trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển trên trang thông tin điện tử của Trường.
5.4 Tiêu chí xét tuyển: tại đây.
- 6. Đăng ký hồ sơ dự tuyển
-
6.1 Hướng dẫn đăng ký dự tuyển: tại đây
6.2 Đăng ký dự tuyển trực tuyến: tại đây
6.3 Nhận hồ sơ dự tuyển:
- Hồ sơ đăng ký dự tuyển: tại đây
- Nhận hồ sơ dự tuyển: Từ ngày ra thông báo đến hết ngày 10/05/2025.
- Lệ phí xét tuyển: 450.000đ/hồ sơ.
6.4 Thời gian, hình thức đào tạo và ngôn ngữ đào tạo sau khi trúng tuyển:
- Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa của hình thức đào tạo chính quy tại Trường là hai năm (24 tháng). Thời gian đào tạo chuẩn dự kiến: từ tháng 07/2025 đến tháng 07/2027. Lịch học dự kiến: các buổi tối trong tuần (tối đa không quá 3 tiết/buổi) và ngày thứ 7;
- Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa của hình thức đào tạo vừa làm vừa học tại Trường là hai năm rưỡi (30 tháng). Thời gian đào tạo chuẩn dự kiến: từ tháng 07/2025 đến tháng 12/2027. Lịch học dự kiến: các buổi tối trong tuần (tối đa không quá 4 tiết/buổi), ngày thứ 7 và Chủ Nhật;
- Hình thức đào tạo chính quy tại Trường áp dụng cho chương trình định hướng nghiên cứu và chương trình định hướng ứng dụng. Hình thức đào tạo vừa làm vừa học áp dụng cho chương trình định hướng ứng dụng;
- Ngôn ngữ dùng trong đào tạo trình độ thạc sĩ là tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
6.5 Địa điểm đào tạo: Trường Đại học Tôn Đức Thắng
- Số 19 Nguyễn Hữu Thọ, Phường Tân Phong, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh.
- Số 98 Ngô Tất Tố, Phường 19, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
- 7. Tổ chức ôn tập và thi môn tiếng Anh
-
1. Đối tượng: Dành cho thí sinh đăng ký tham gia thi đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu vào (chưa có chứng chỉ theo quy định).
2. Sĩ số tối thiểu để tổ chức ôn tập và thi: 10 thí sinh/môn.
3. Chi phí: 2.200.000 đồng/thí sinh/môn (bao gồm học phí ôn tập và lệ phí thi cho cả 4 kỹ năng). Khi số lượng thí sinh đăng ký đủ sĩ số để tổ chức ôn tập và thi, Nhà trường không hoàn trả chi phí sau khi nộp.
4. Điểm chuẩn đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3/6: 5/10 (trung bình cộng của 04 kỹ năng (nghe, nói, đọc và viết) và Không có phần thi nào dưới 01 điểm).
5. Thời gian tiếp nhận hồ sơ:
Từ ngày ra thông báo đến hết ngày 22/03/2025. Thời khóa biểu dự kiến và hồ sơ đăng ký: tại đây.Lưu ý: Thí sinh tham gia thi đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu vào cần nộp hồ sơ đăng ký ôn tập và thi trước. Đồng thời cũng chuẩn bị song song các hồ sơ đăng ký dự tuyển để nộp trước khi hết hạn nộp hồ sơ dự tuyển. Sau khi có kết quả đánh giá năng lực ngoại ngữ thì sẽ thực hiện nộp lệ phí dự tuyển trình độ thạc sĩ theo đúng quy định.
- 8. Tổ chức lớp bổ sung kiến thức
-
1. Đối tượng: Dành cho thí sinh thuộc đối tượng phải hoàn thành bổ sung kiến thức trước khi dự tuyển.
2. Nhận hồ sơ đăng ký: Từ ngày ra thông báo đến hết ngày 22/03/2025.
3. Lịch học dự kiến: Các buổi tối trong tuần, ngày thứ 7 và Chủ nhật.
4. Hình thức học: Trực tiếp kết hợp trực tuyến.
5. Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Phân hiệu Khánh Hòa.
6. Hồ sơ đăng ký, học phí: tại đây.
- 9. Thông tin chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra
-
Chương trình đào tạo thạc sĩ áp dụng cho khóa tuyển sinh từ năm 2025 gồm 2 định hướng như sau:
+ Ngành Kỹ thuật môi trường (Định hướng ứng dụng). Xem thông tin chi tiết tại đây.
+ Ngành Kỹ thuật môi trường (Định hướng nghiên cứu). Xem thông tin chi tiết tại đây.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Kỹ thuật môi trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng, người học phải đạt được:
STT
Phân loại theo (nhóm) năng lực
Mô tả chuẩn đầu ra
1
Kiến thức chung
(General Knowledge)
PLO1b: Tích hợp (Integrate) một cách có hệ thống các kiến thức về khoa học tự nhiên, ngoại ngữ và tin học theo tiêu chuẩn quốc tế để định hướng việc học tập ở bậc cao hơn, xác định hướng nghiên cứu và triển khai thực hiện các đề tài ứng dụng, đề tài chuyên sâu trong lĩnh vực kỹ thuật môi trường.
2
Kiến thức chuyên môn
(Professional Knowledge)
PLO2b: Phân tích (Analyze) và lựa chọn (Select) các giải pháp kỹ thuật hiệu quả, tiên tiến theo định hướng phát triển bền vững trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các đơn vị cụ thể.
3
PLO3b: Phát triển (Develop) các hướng nghiên cứu chuyên sâu, công bố trên các tạp chí và hội thảo chuyên ngành kỹ thuật môi trường; thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, triển khai các đề tài, sản phẩm trong lĩnh vực kỹ thuật môi trường.
4
Kỹ năng chuyên môn
(Professional Skills)
PLO4b: Đề xuất (Create) các sáng kiến mang tính bền vững trong quá trình thực hiện công tác vận hành, xử lý và quản lý các vấn đề về môi trường tại các nhà máy, xí nghiệp.
5
PLO5: Hình thành (Create) kỹ năng phân tích, xử lý tình huống những vấn đề phát sinh mới trong quá trình thực hiện các công tác quản lý, xử lý các sự cố môi trường.
6
Kỹ năng chung
(General skills)
PLO6: Phát huy (Develop) tính tự học, nghiên cứu độc lập; kỹ năng đàm phán, thuyết trình, viết báo cáo, trình bày và bảo vệ kết quả nghiên cứu; kỹ năng làm việc nhóm, năng lực quản lý và điều hành các công việc liên quan ở lĩnh vực kỹ thuật môi trường.
7
Thái độ và ý thức xã hội
(Attitude and awareness)
PLO7: Thể hiện (Demonstrate) ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển bền vững khi nghiên cứu, xây dựng các giải pháp kỹ thuật môi trường, các hệ thống quản lý và kiểm soát ô nhiễm, các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Ghi chú: (b): Chuẩn đầu ra của định hướng nghiên cứu
Chuẩn đầu ra ngoại ngữ bậc thạc sĩ: tại đây.
- 10. Thông tin học phí và chính sách học bổng
-
- Thông tin học phí: tại đây
- Chính sách học bổng dành cho đối tượng tốt nghiệp đại học do Trường Đại học Tôn Đức Thắng cấp, tốt nghiệp đại học xếp loại giỏi các trường công lập trong cả nước, giáo viên đang công tác tại các trường phổ thông tại đây.
- 11. Chi tiết cập nhật mới nhất
-
Đường dẫn tham khảo để các quý học viên/ thí sinh cập nhật thông tin chi tiết mới nhất:
+ Thông tin tuyển sinh trình độ thạc sĩ tại Cơ sở Tân Phong: https://admission.tdtu.edu.vn/sau-dai-hoc/thong-bao-tuyen-sinh-dao-tao-trinh-do-thac-si-dot-1-nam-2025
+ Thông tin tuyển sinh trình độ thạc sĩ tại Phân hiệu Khánh Hòa: https://admission.tdtu.edu.vn/sau-dai-hoc/thong-bao-tuyen-sinh-dao-tao-trinh-do-thac-si-dot-1-nam-2025-tai-phan-hieu-khanh-hoa
Nếu cần thêm thông tin, vui lòng liên hệ địa điểm tư vấn tuyển sinh:
Phòng Sau đại học - Trường đại học Tôn Đức Thắng
- Số 19 Nguyễn Hữu Thọ, Phường Tân Phong, Quận 7
- Lịch tiếp học viên từ thứ hai đến thứ bảy: Sáng từ 7h30 – 11h30, chiều 13h00 – 17h00.
- Điện thoại: (028) 37755 059 – 094 431 4466 (hotline và zalo)
- Email: tssdh@tdtu.edu.vn. Website: http://grad.tdtu.edu.vn
- Log in to post comments