Nhảy đến nội dung
x

Áp dụng tin học hóa trong hoạt động bảo vệ Khóa luận, Đồ án tốt nghiệp nhằm giảm thiểu khối lượng CTR phát sinh tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Giải pháp quản lý và xử lý chất thải rắn theo nguyên tắc 3R (Reduce – Reuse – Recyle) đã và đang được thực hiện rất triệt để và hiệu quả ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật, Anh, Singapore. Tại Việt Nam, mô hình quản lý và xử lý chất thải theo 3R này cũng đang trong giai đoạn triển khai tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, và bước đầu mang lại nhiều lợi ích trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ý niệm của giải pháp 3R được diễn giải và mô phỏng bằng hình minh họa về cấp độ ưu tiên như sau:

  • Tiết giảm (Reduce): Mỗi người, mỗi đơn vị nên có nhận thức đổi thay cách sống, phương thức dùng, phương thức sản xuất bằng việc giảm thiểu lượng chất thải sinh ra môi trường ở mức độ thấp nhất.
  • Tái sử dụng (Reuse): Các chất thải bỏ đi nhưng vẫn có khả năng dùng được sẽ được sử dụng lại cho chính yêu cầu cũ hoặc cho mục đích mới và được dùng cho đến khi vật dụng đó không còn khả năng sử dụng được nữa.
  • Tái chế (Recycle): Những loại chất thải đã không thể sử dụng thêm được, sau khi phân loại đem đi tái chế để làm ra các vật dụng mới.

Tại ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU), việc tiếp cận và triển khai áp dụng giải pháp quản lý chất thải rắn theo nguyên tắc 3R đang được chú trọng thực hiện trong các hoạt động thường nhật. Cụ thể, đối với hoạt động tổ chức bảo vệ khóa luận tốt nghiệp (KLTN)/ đồ án kỹ thuật (ĐAKT) cấp khoa/ bộ môn, theo quy trình thực hiện trước đây, backdrop sử dụng cho các hội đồng đánh giá đều được in ấn và trình bày trong mỗi đợt bảo vệ. Ngoài ra, đối với các Khoa thuộc khối ngành kỹ thuật, sinh viên thực hiện KLTN/ĐAKT thường trình bày các nội dung thông qua các bản vẽ thiết kế in với khổ giấy lớn, số lượng bản vẽ tương đối nhiều. Chính vì vậy, công tác này sẽ làm phát sinh thêm chi phí và quan trọng là thải ra một lượng lớn chất thải rắn sau mỗi đợt tổ chức bảo vệ KLTN/ĐAKT, do hầu hết các backdrop chỉ được sử dụng 1 lần, và báo cáo, bản vẽ cũng sẽ phải được chỉnh sửa, in ấn thành một phiên bản mới theo ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng đánh giá.

Do đó, hiện nay TDTU đã bắt đầu triển khai việc tổ chức các hội đồng đánh giá KLTN/ĐAKT trong các phòng học chuyên dụng với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại như hệ thống bảng hiệu đèn LED có chức năng thay thế backdrop, màn hình ti vi LCD với độ phân giải cao, giúp sinh viên có thể thực hiện việc trình bày trực tiếp nội dung các báo cáo và bản vẽ thiết kế chi tiết rõ ràng hơn, trực quan sinh động hơn, tiết kiệm thời gian hơn.

Chính việc triển khai áp dụng tin học hóa và trang bị các thiết bị điện tử hiện đại trong các phòng học chuyên dụng này đã giảm thiểu một phần chi phí cho hoạt động bảo vệ KLTN/ĐAKT và quan trọng là giảm đáng kể khối lượng lớn chất thải rắn phát sinh, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên, đồng thời đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững của Nhà trường.