Nhảy đến nội dung
x

Tham quan hệ thống hồ điều tiết tiêu thoát nước mưa và chống ngập úng trong khuôn viên đại học tôn đức thắng và tìm hiểu về ngành công nghệ kỹ thuật môi trường

Việc mở rộng đô thị đã dẫn đến một số kênh rạch tự nhiên bị san lấp và việc bê tông hóa mặt đất trong quá trình chỉnh trang đô thị cũng đã làm thay đổi hệ số mặt phủ, làm giảm lượng nước thấm và diện tích chứa nước tự nhiên. Điều này đã dẫn đến việc tăng nhanh lưu lượng tiêu thoát và hệ số dòng chảy tràn trực tiếp, làm cho tình trạng ngập lụt do mưa ngày càng trở lên phức tạp hơn. Một trong những giải pháp hiệu quả trong việc giảm thiểu mức độ ngập do mưa sinh ra là xây dựng các hồ hoặc kênh điều hòa để trữ mưa và tiêu thoát nước, đặt biệt thích hợp đối với những vùng có diện tích lớn, có cao độ thấp. Hồ điều hòa trong các đô thị thường tận dụng hồ tự nhiên để giảm kinh phí xây dựng, và trong một số trường hợp đặc biệt, hồ nhân tạo cũng được xây dựng. Về cơ bản, hồ điều hòa có nhiệm vụ điều tiết (tăng và giảm) lưu lượng dòng chảy nước mưa một cách tự nhiên nhằm chống úng, ngập và giảm chi phí quản lý hệ thống thoát nước. Ngoài ra, hồ còn được cho mục đích tưới tiêu, tạo cảnh quan, cải tạo vi khí hậu và bảo vệ môi trường. Giải pháp sử dụng hồ/kênh điều hòa tiêu thoát nước đô thị đã được triển khai áp dụng thực tiễn tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, với tỷ lệ diện tích hồ điều hòa trên tổng diện tích đô thị khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý của đô thị.

Đại học Tôn Đức Thắng với trụ sở chính – cơ sở Tân Phong, được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích gần 30 hecta, liền kề Khu đô thị hiện đại Phú Mỹ Hưng Quận 7, TP.HCM. Trong quy hoạch tổng thể khuôn viên trường, các phân khu được bao bọc và kết nối với nhau thông qua hệ thống 3 dòng kênh, rạch tự nhiên, gồm Khu trước Rạch Ông Bảy là Khu 1 với các khối nhà A, B, C, D, E, F, G; khu giữa Rạch Ông Bảy và Rạch Tư Dinh là Khu 2 với Nhà thi đấu, sân bóng, Ký túc xá, Hồ bơi, và khu giữa Rạch Tư Dinh với Sông Ông Lớn là Khu 3 với hiện hữu là Trường Quốc tế Việt Nam – Phần Lan). Mạng lưới các kênh, rạch này trong khuôn viên nhà trường không chỉ làm tăng thêm vẻ đẹp cảnh quan cho không gian xanh mà còn đóng vai trò như các “hồ điều tiết”, thực hiện chức năng tiêu thoát nước và chống ngập úng. Chính nhờ sự kết nối này mà việc quản lý hệ thống thoát nước trong khuôn viên Nhà trường, đặc biệt là vào mùa mưa luôn đảm bảo hiệu quả cao, và hiện tượng ngập úng cục bộ hoàn toàn không diễn ra. Bên cạnh đó, việc tận dụng các kênh rạch này với vai trò là một thành phần trong hệ thống thoát nước nội vi còn giúp tiết giảm chi phí quản lý hệ thống thoát nước, đồng thời hạn chế được các tác động môi trường do việc tiêu thoát lượng nước tràn bề mặt.  Để đảm bảo tính an toàn và tránh hiện tượng xói lở, nhà trường đã thực hiện việc xây dựng kết cấu kè đá và hành lang bảo vệ dọc hai bờ kênh. Có thể nhận thấy, việc quy hoạch khuôn viên nhà trường với định hướng duy trì, cải tạo mà không phá vỡ chế độ dòng chảy hay san lấp hệ thống các kênh rạch tự nhiên hiện hữu là một trong những quy hoạch hạ tầng cơ sở mang tính hiệu quả, đảm bảo tính kết nối bền vững giữa việc phát triển, mở rộng quy mô xây dựng và bảo tồn thiên nhiên.

Hinh

Hình. Rạch Ông Bảy khu vực chảy qua Đại học Tôn Đức Thắng

Trong lĩnh vực quy hoạch Cấp thoát nước – Môi trường nước, hiện nay có rất nhiều Trường Đại học đào tạo chuyên ngành này. Tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường (CNKTMT) thuộc Khoa Môi trường & Bảo hộ Lao động là một trong những ngành học được trường sáng lập và đào tạo đầu tiên tại khu vực phía Nam. Chương trình được thiết kế linh hoạt với hệ thống kiến thức cơ bản về quy hoạch mạng lưới cấp thoát nước bên trong và bên ngoài công trình, về kỹ thuât xử lý nước cấp và nước nước thải. Bên cạnh đó, Chương trình được biên soạn với hơn 40% thời lượng sinh viên sẽ học tập kiến thức thực tế tại các Doanh nghiệp, các Cơ quan/ Viên nghiên cứu với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia trong lĩnh vực ngành cấp thoát nước và kỹ thuật môi trường.

Về cơ hội và triển vọng nghề nghiệp của ngành CNKTMT, theo kết quả thống kê cho thấy, hiện nay có đến trên 90% sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành, trên 80% các doanh nghiệp/ cơ quan nhà nước/ Viện/ Trung tâm nghiên cứu khi được khảo sát đều phản hồi tích cực về chất lượng đào tạo của ngành CNKTMT. Cụ thể, hiện nay, rất nhiều đơn vị có uy tín luôn có mối liên hệ chặt chẽ với Khoa MT & BHLĐ trong hoạt động hợp tác đào tạo và tuyển dụng, ưu tiến tiếp nhận sinh viên của ngành CNKTMT đến thực tập và làm việc sau khi tốt nghiệp (Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons, Công ty xây dựng An Phong, Công ty Xây dựng Indochine, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn – SAWACO, Công ty Cơ Điện lạnh Ree, Công ty thoát nước Đô Thị - TpHCM, Trung tâm chống ngập TpHCM, Sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM…).

Chính vì vậy, có thể nói, giải pháp quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước tại khuôn viên trường và đôi nét sơ lược về ngành CNKTMT thuộc Khoa MT & BHLĐ, TDTU là một minh chứng cụ thể cho việc gắn kết hiệu quả giữa hoạt động đào tạo, giảng dạy kết hợp với việc trực tiếp thực hành, tham quan nhận thức bằng các mô hình thực tiễn.