Nhảy đến nội dung
x

Thực hiện tốt an toàn và vệ sinh lao động giúp sinh lợi cho doanh nghiệp

Thiếu chính sách và nguồn lực

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Quang Hưng - Giám đốc An toàn, môi trường, sức khỏe và phát triển bền vững khu vực Đông Nam Á, Công ty TNHH Bosch Việt Nam nhận định, xã hội hiện nay còn thiếu nguồn nhân lực, cán bộ phụ trách an toàn được đào tạo chính quy, bài bản tại trường đại học để tư vấn cho người sử dụng lao động và người lao động xây dựng các hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động hiệu quả.

Dẫn chứng tại Malaysia, ông Hưng cho hay, để trở thành người phụ trách an toàn của một tổ chức, nhân sự sẽ phải hoàn thành các khóa học chính quy, trải qua các kỳ thi rất khó để được cấp chứng chỉ hành nghề. Trong khi đó, tại Việt Nam, các quy định về năng lực cho người phụ trách an toàn và vệ sinh lao động còn chung chung.

Một điểm khác là khung pháp lý và các quy định về khen thưởng, xử phạt còn chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, theo vị giám đốc, nước ta còn thiếu nhiều diễn đàn, hội thảo chất lượng để trao đổi thông tin, thực hành tốt; thiếu những nghiên cứu khoa học và các hỗ trợ để đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học về an toàn và vệ sinh lao động.

Về khía cạnh môi trường, ông Nguyễn Thanh Nguyên - Phó phòng Tài nguyên Môi trường quận 1, TPHCM bày tỏ, Việt Nam đã có Luật Bảo vệ Môi trường từ năm 1993, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại việc thực hiện luật pháp và chính sách bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp cũng chưa thực hiện được trách nhiệm bảo vệ môi trường với xã hội.

Cần được đặt ở vị trí xứng đáng

Ông Trần Quang Hưng chỉ cho hay, chúng ta còn thiếu các trường, ngành đào tạo chính quy về an toàn và vệ sinh lao động. Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một trong những trường đầu tiên mở ngành bảo hộ lao động. Gần đây, lượng học viên theo học ngành học giảm sút, trong khi các doanh nghiệp thì đang thiếu những người được đào tạo chính quy.

Theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động, doanh nghiệp có từ 50-300 nhân viên sẽ phải có cán bộ phụ trách về an toàn, nhưng hiện tại đang không có nhiều trường đào tạo ngành học này do hạn chế về giảng viên cũng như nhu cầu học từ sinh viên không cao. Thực tế đang thiếu rất nhiều kỹ sư, cán bộ chuyên trách chất lượng cao về an toàn và vệ sinh lao động.

Chia sẻ về cơ hội việc làm, đại diện Khoa Môi trường và Bảo hộ Lao động, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, công ty và doanh nghiệp nào cũng đang cần ít nhất 1 vị trí phụ trách về an toàn và vệ sinh lao động.

Đáng chú ý, việc quốc tế hóa nền kinh tế đang yêu cầu các doanh nghiệp của Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn lao động, môi trường cả trong nước và quốc tế; do đó, việc làm trong ngành bảo hộ lao động, môi trường đang có cơ hội phát triển liên ngành. Đặc biệt đối với đặc thù của Khoa Môi trường và Bảo hộ lao động - Trường Đại học Tôn Đức Thắng, sinh viên có thể phát triển nghề nghiệp liên ngành trong lĩnh vực an toàn - sức khỏe - môi trường.

Từ những nhận định trên, để nâng cao sự nhận diện của xã hội nói chung, cần có sự đồng thuận, phối hợp thực hiện của nhiều phía. Các đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường đại học… phải có sự liên kết, phản hồi thông tin, thông qua việc phối hợp; cùng tổ chức các diễn đàn, đối thoại… nêu cao vai trò và tầm quan trọng của công tác an toàn lao động, quản lý môi trường, xử lý ô nhiễm.